Sáng chế được bảo hộ khi đáp ứng được các điều kiện bảo hộ theo quy định và chủ sở hữu làm thủ tục đăng ký với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Tuy nhiên, pháp luật quy định về một số đối tượng không được bảo hộ sáng chế ngay cả khi đáp ứng được các điều kiện.

Các đối tượng không được bảo hộ sáng chế
Tại Điều 59 Luật Sở hữu trí tuệ hợp nhất năm 2019 quy định các đối tượng không được bảo hộ với danh nghĩa sáng chế gồm:
– Phát minh, lý thuyết khoa học, phương pháp toán học;
– Sơ đồ, kế hoạch, quy tắc và phương pháp để thực hiện các hoạt động trí óc, huấn luyện vật nuôi, thực hiện trò chơi, kinh doanh; chương trình máy tính;
– Cách thức thể hiện thông tin;
– Giải pháp chỉ mang đặc tính thẩm mỹ;
– Giống thực vật, giống động vật;
– Quy trình sản xuất thực vật, động vật chủ yếu mang bản chất sinh học mà không phải là quy trình vi sinh;
– Phương pháp phòng ngừa, chẩn đoán và chữa bệnh cho người và động vật.
Như vậy nếu thuộc các đối tượng trên thì sáng chế sẽ không được bảo hộ, vì vậy khi đăng ký sáng chế thì chủ sở hữu cần kiểm tra sáng chế của mình của thuộc các đối tượng này không sau đó mới thực hiện tiếp các thủ tục.
Đối tượng được bảo hộ dưới danh nghĩa sáng chế
Giải pháp kỹ thuật là đối tượng được bảo hộ sáng chế, đây là tập hợp cần và đủ các thông tin về cách thức kỹ thuật và/hoặc phương tiện kỹ thuật nhằm giải quyết một nhiệm vụ hay một vấn đề xác định. Giải pháp kỹ thuật có thể là:
– Sản phẩm dưới dạng vật thể: dụng cụ, máy móc, thiết bị, linh kiện, mạch điện…;
– Quy trình: quy trình công nghệ; phương pháp chẩn đoán, dự báo, kiểm tra, xử lý…