Sổ hộ khẩu là một trong những giấy tờ cần khi vợ, chồng muốn ly hôn. Tuy nhiên, trong thực tế có khá nhiều trường hợp ly hôn nhưng không có sổ hộ khẩu. Vậy khi đó, có ly hôn được không?
Ly hôn là việc chấm dứt quan hệ vợ chồng theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án (căn cứ khoản 14 Điều 3 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014). Đồng thời, có thể ly hôn theo hai hình thức:
– Ly hôn đơn phương: Một trong hai vợ chồng gửi yêu cầu đến Tòa án khi có căn cứ cho rằng quan hệ hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, cuộc sống hôn nhân không thể kéo dài, đời sống chung không thể duy trì.
– Ly hôn thuận tình: Hai vợ chồng thỏa thuận và thống nhất ly hôn, nuôi dưỡng, chăm sóc con cái…
Về quyền yêu cầu ly hôn, Điều 51 Luật Hôn nhân và Gia đình quy định:
– Cả vợ, chồng có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn khi thỏa thuận chấm dứt quan hệ hôn nhân;
– Vợ hoặc chồng yêu cầu Tòa án ly hôn khi có căn cứ về bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ vợ chồng làm hôn nhân trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích hôn nhân không đạt được;
– Cha, mẹ, người thân thích khác có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn nếu một bên vợ, chồng bị bệnh tâm thần, bệnh khác không thể nhận thức, làm chủ hành vi và là nạn nhân của bạo lực gia đình do người còn lại gây ra khiến tính mạng, sức khỏe, tinh thần bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Lưu ý: Chồng không được ly hôn khi vợ đang có thai, sinh con hoặc nuôi con dưới 12 tháng tuổi.
Do đó, chỉ cần có các căn cứ nêu trên thì vợ, chồng hoàn toàn có quyền yêu cầu ly hôn.
Đồng thời, khi có yêu cầu ly hôn, dù thuận tình hay đơn phương ly hôn thì vợ, chồng về cơ bản cũng phải chuẩn bị đầy đủ các loại giấy tờ sau đây:
- Đơn ly hôn (đơn yêu cầu thuận tình ly hôn hoặc đơn khởi kiện ly hôn đơn phương);
- Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn (bản chính);
- Chứng minh nhân dân của vợ và chồng (bản sao có chứng thực);
- Giấy khai sinh của các con (nếu có con chung, bản sao có chứng thực);
- Sổ hộ khẩu gia đình (bản sao có chứng thực);
- Giấy tờ chứng minh quyền sở hữu đối với tài sản chung (nếu có tài sản chung, bản sao có chứng thực).
Do đó, khi muốn ly hôn, vợ chồng phải có bản sao có chứng thực của sổ hộ khẩu gia đình. Nếu hai vợ chồng chưa nhập chung khẩu thì phải có bản sao chứng thực sổ hộ khẩu của cả hai người.
Như vậy, khi không có sổ hộ khẩu của vợ, chồng (trong trường hợp thuận tình ly hôn) hoặc của vợ hoặc của chồng (trong trường hợp đơn phương ly hôn) thì có thể giải quyết theo 02 cách sau đây:
Cách 1: Xin xác nhận hộ khẩu
Trong trường hợp không có sổ hộ khẩu thì vợ hoặc chồng hoặc cả hai vợ chồng có thể làm đơn yêu cầu công an phường, xã nơi người cần xin sổ hộ khẩu xác nhận hiện tại người này đang có hộ khẩu tại địa chỉ thường trú. Giấy xác nhận này sẽ thay thế sổ hộ khẩu cần nộp.
Cách 2: Yêu cầu Tòa án thu thập thông tin về hộ khẩu
Nếu trong trường hợp không thể có bản sao chứng thực sổ hộ khẩu cũng như không thể xin xác nhận tại cơ quan công an có thẩm quyền thì có thể yêu cầu Tòa án xác minh, thu thập.
Theo Điều 70 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, đương sự có quyền:
– Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân đang lưu giữ, quản lý tài liệu, chứng cứ cung cấp tài liệu, chứng cứ đó cho mình;
– Đề nghị Tòa án xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ của vụ việc mà tự mình không thể thực hiện được;
– Đề nghị Tòa án yêu cầu đương sự khác xuất trình tài liệu, chứng cứ mà họ đang giữ;
– Đề nghị Tòa án ra quyết định yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân đang lưu giữ, quản lý tài liệu, chứng cứ cung cấp tài liệu, chứng cứ đó…
Như vậy, khi không thể cung cấp được sổ hộ khẩu, vợ hoặc chồng hoặc vợ, chồng có thể đề nghị Tòa án ra quyết định yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân đang lưu giữ, quản lý sổ hộ khẩu cung cấp thông tin, xuất trình về sổ hộ khẩu.
Nói tóm lại: Vợ, chồng vẫn được ly hôn khi không có sổ hộ khẩu. Tuy nhiên, trong trường hợp này thì thời gian giải quyết ly hôn sẽ mất thời gian hơn bởi phải thu thập thông tin về hộ khẩu và các giấy tờ khác thay thế cho sổ hộ khẩu.